Kỹ sư môi trường sẽ khác xa so với hình dung của nhiều bạn, bởi đặc thù công việc liên quan đến môi trường. Kỹ sư môi trường là những chuyên gia chuyên nghiên cứu, thiết kế và thực hiện các giải pháp để bảo vệ và duy trì môi trường tự nhiên.
“Chắc về quê làm cho ông bà già”, “cũng không biết làm gì nữa”, “hi vọng ra trường không thất nghiệp”…đó là những câu trả lời của rất nhiều bạn sinh viên học môi trường khi được hỏi “Làm gì khi ra trường?”, hầu hết các bạn đều rất lúng túng và không biết mình sẽ làm gì.
Lí do là nhiều người đăng ký theo học chỉ vì do… bạn bè rủ rê, hoặc là thấy ngành này “cũng được”, việc mù mờ thông tin về ngành học, không tìm hiểu kỹ, dẫn đến không biết gì về nó nhưng vẫn đâm đầu vào học, để rồi vừa học vừa hoang mang về việc làm sau khi ra trường.
Hơn nữa cũng có khá nhiều bạn còn “mơ mộng” về công việc mà mình sẽ làm trong tương lai, những viễn cảnh mặc áo blu trắng, tay ống nghiệm, tay kính hiển vi, hay kỹ sư môi trường được “chỉ đạo” cấp dưới lắp cái này cái kia… sẽ không xảy ra, ít nhất là lúc bạn mới ra trường. Trừ khi là bạn quá xuất sắc và có các đơn vị sẵn sàng trải thảm để mời bạn về, nhưng con số đó là cực kỳ ít ỏi.
Thực tế công việc mà các kỹ sư môi trường sẽ khác xa so với hình dung của nhiều bạn, bởi đặc thù công việc liên quan đến môi trường nên lúc nào bạn cũng sẽ phải mặc quần áo bảo hộ, đi ủng, người thì lấm lem dầu mỡ hay có nhiều mùi “ đặc trưng” của nước thải, nước cống… Vậy, trong khi các bạn ra trường thì hoang mang không xin được việc, còn chúng tôi thì “khát” nhân lực, điều này không chỉ xảy ra ở ngành môi trường mà ở tất cả các ngành khác, ở đây mình khoan bàn đến cách giảng dạy hay đổ lỗi cho nó, mà vấn đề ở các bạn mà thôi.
Trong khi nhiều người thì không xin được việc, còn nhiều người thì kỳ lạ lắm, học kỹ sư môi trường bằng giỏi mới ra trường, đi làm được vài bữa thì kêu khổ, rồi chê lương thấp, rồi lại hỏi xem mấy người làm trước học bằng gì, lương bao nhiêu, khi biết người ta học bằng Trung cấp mà lương cao hơn mình thì lại muốn gặp sếp để hỏi “cho ra ngô ra khoai” là vì sao mình bằng đại học mà lương lại thấp hơn mấy người kia.
Lại có bạn mới đi làm đã có “tinh thần” giám sát người khác, ra trường bằng kỹ sư loại khá giỏi nên chỉ muốn đi giám sát thi công này nọ, muốn “chỉ tay năm ngón” mà không muốn lăn lê cống bấn, nước hôi… Nói như vậy là bởi vì ngành kỹ thuật môi trường cần những kinh nghiệm thực tế mới có thể làm việc được. Dù được đào tạo bài bản trên sách vở nhưng đến khi ra công trường nhận việc thì bạn vẫn cảm thấy “tim đập, chân run” bởi từ lí thuyết sang thực tế là cả “ hàng trăm năm ánh sáng”, công trường với những công trình đồ sộ và công suất hàng ngàn m3/ ngày đêm chạy vù vù cũng khiến các bạn bối rối. Huống chi việc vận hành các thiết bị, dò tìm rò rỉ trong ống cống dài cả mấy trăm mét…
Bằng cấp không phải không quan trọng, nó cũng phản ánh quá trình học tập của các bạn, tuy nhiên không công việc nào mang tên là “việc nhẹ lương cao” cả, tất cả mọi vị trí đều được trả lương theo năng lực chứ không phải bằng cấp, và để có được mức lương mong muốn, bạn cần có quá trình học hỏi và tích lũy liên tục. Ngành môi trường lại càng mang tính đặc thù, vậy nên không yêu nghề thì không thể sống với nó.
Tổng giám đốc công ty Việt An – Anh Nguyễn Hoài Thi cũng từng chia sẻ về những ngày đầu ra trường của anh như thế này “Khi ra trường, cũng như các bạn, anh cũng vác đơn xin việc nộp ở nhiều Công ty, ít nhất 10 hồ sơ thì phải, có vài nơi mời phỏng vấn nhưng cuối cùng là Không đạt, và Không được nhận vào làm. Ôi, thất vọng cực kỳ về bản thân mình vì ứng viên đông kinh khủng, mình chẳng có gì nổi bật mà lại còn nợ 2 môn (Kỹ thuật số 1 và Lý thuyết Quân sự), ngoài thành tích 7.8/10 của 3 học kỳ Đại cương ở Thủ Đức và tham gia 3 kỳ Robocon. Và kể cả chấp nhận một mức lương rất thấp 1.2 triệu đồng/tháng (năm 2004) ở một công ty trong ngành cho vị trí Sales Engineer nhưng vẫn không được nhận việc. Nên cuối cùng mình liều luôn, khi nộp vào một công ty về Tự động hoá (mình học ngành này mà) thì khi mình đến gặp để phỏng vấn, mình đã mang cả cuốn Luận văn Tốt nghiệp để trình bày với người phỏng vấn (là Sếp trực tiếp của mình) và đã được nhận vào làm với mức lương chính thức 1.8 triệu đồng/tháng.”
Thế đấy, sếp mình đã đi làm với mức lương chưa đến 2 triệu trước khi trở thành Founder và CEO của 3 công ty làm về Dịch vụ và Giải pháp với hơn 60 nhân viên và văn phòng ở 3 miền như hiện tại.
Đây không phải sự rao giảng với lời lẽ đao to búa lớn, mà chỉ là những lời khuyên nhỏ dành cho các bạn nào lỡ “phải lòng” ngành kỹ thuật môi trường. Việt An Enviro là một công ty về lắp đặt và cung cấp giải pháp cho nhiều mảng liên quan đến môi trường, chúng tôi luôn mong muốn mở rộng cơ hội việc làm và có thêm những cộng sự và đồng nghiệp giỏi trong tương lai, chúng tôi thấy vui khi nhận được nhiều email xin vào học việc, vui khi thấy các kỳ thực tập, có nhiều bạn xông xáo, nhiệt tình học hỏi, đó là một tín hiệu rất đáng mừng.
Làm trong bất cứ ngành nào cũng vậy, chúng ta cũng cần học hỏi và cố gắng không ngừng, bởi chỉ có áp lực, rèn luyện lâu dài mới có kim cương, còn dễ dãi thì chúng ta chỉ có than đá mà thôi.