Nghị quyết 57 không chỉ mở ra những cơ hội mới
mà còn thúc đẩy các nhà khoa học phát huy năng lực nghiên cứu và đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của ngành.
Để chuyển đổi số hiệu quả, cần có hạ tầng số đủ mạnh.
Ngành khí tượng thủy văn (KTTV) có thể được tóm gọn qua bốn giai đoạn: thu thập dữ liệu tại hiện trường, chuyển thông tin về trung tâm, phân tích, và cung cấp bản tin dự báo cùng kiến thức cho cộng đồng. Thời gian qua, nhờ tiến bộ khoa học công nghệ và sự hỗ trợ từ nhà nước, ngành KTTV đã đạt nhiều thành tựu nổi bật, nhưng vẫn cần tiếp tục đổi mới.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tôi cho rằng ngành cần xây dựng một chiến lược chuyển đổi số rõ ràng. Việc này bao gồm tái cơ cấu các đơn vị và thành lập một bộ phận chuyên trách về chuyển đổi số cho KTTV.
Một giải pháp khả thi ngay lập tức là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào dự báo KTTV. Hiện nay, ngành còn phụ thuộc nhiều vào các mô hình tính toán và phân tích của chuyên gia. Thay vào đó, AI có thể hỗ trợ thực hiện các tác vụ này, với con người đảm nhận vai trò kiểm định cuối cùng. Để triển khai chuyển đổi số và ứng dụng AI, cần có hạ tầng số vững chắc, bao gồm hệ thống quan trắc dữ liệu, công nghệ tính toán hiện đại và đội ngũ nhân lực chất lượng.
Việc sáp nhập vào Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành KTTV phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của xã hội. Các lĩnh vực như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chăn nuôi, vốn chịu ảnh hưởng lớn từ thời tiết và khí hậu, cần thông tin KTTV chính xác. Do đó, việc phối hợp đầu tư giữa các ngành trong Bộ sẽ mang lại hiệu quả cao hơn và phù hợp với thực tiễn.
(GS.TS Trần Thục – Chủ tịch Hội Khí tượng Thủy văn Việt Nam).
Để làm khoa học, cần có sự tự tin, niềm tin và một cơ chế phù hợp.
Công nghệ mang lại sự đổi mới và tạo nên sự khác biệt. Những thách thức càng lớn càng đòi hỏi sự can thiệp của công nghệ để tìm ra giải pháp. Trong lĩnh vực môi trường, chẳng hạn như quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, xu hướng hiện nay tập trung vào ba yếu tố: thứ nhất, cải thiện hiệu suất xử lý để loại bỏ triệt để các chất gây ô nhiễm; thứ hai, giảm thiểu chi phí vận hành bằng cách tiết kiệm điện, hóa chất, diện tích sử dụng và tài nguyên; thứ ba, tận thu các thành phần có giá trị từ nước thải, tái sử dụng và tối ưu hóa lợi ích kinh tế.
Khoa học và công nghệ đóng vai trò cốt lõi trong việc đáp ứng các xu hướng hiện nay. Gần đây, chúng tôi tập trung nghiên cứu và triển khai các giải pháp xử lý nước thải phân tán với chi phí thấp, phù hợp với điều kiện Việt Nam và áp dụng cho nhiều đối tượng.
Đồng thời, chúng tôi phát triển công nghệ bọt mịn và siêu mịn để xử lý ô nhiễm nước – một phương pháp thân thiện với môi trường, cùng với công nghệ tái chế tài nguyên từ bùn thải, chất thải rắn và tái sử dụng nước thải.
Từ góc độ nhà khoa học môi trường, tôi nhận thấy chúng ta có nhiều lợi thế. Sự quan tâm của nhà nước thông qua Nghị quyết 57, nhu cầu từ xã hội, yêu cầu từ doanh nghiệp, và khả năng tiếp cận thông tin đa dạng tạo điều kiện thuận lợi. Nếu có đam mê, chuyên môn vững vàng và đầu tư nghiên cứu nghiêm túc, cơ hội phát triển là rất lớn.
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học và công nghệ vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Nguồn lực dành cho nghiên cứu và ứng dụng tại doanh nghiệp còn hạn chế. Do đó, vẫn tồn tại tư duy rằng sử dụng công nghệ lạc hậu và chịu phạt hành chính còn rẻ hơn so với việc nâng cấp công nghệ.
Một vấn đề khác là sự nhầm lẫn về khái niệm giữa đề tài khoa học và sản phẩm khoa học công nghệ, vốn được kỳ vọng phải ứng dụng thực tế. Nhiều đề tài sau khi nghiệm thu chỉ dừng ở việc công bố bài báo hoặc sách, nhưng để đưa vào thực tiễn, cần phát triển mô hình, thử nghiệm, đánh giá, cải tiến và tích hợp vào dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh.
Vì vậy, đề tài khoa học chỉ nên tập trung nghiên cứu một phần của công nghệ mong muốn ứng dụng. Chúng ta cần thay đổi cách nhìn, chuyển từ việc chỉ cấp kinh phí cho đề tài sang xây dựng cơ chế và hành lang pháp lý hỗ trợ đưa sản phẩm khoa học công nghệ vào thực tiễn. Việc tách bạch hai khía cạnh này về quan niệm nhưng kết nối chúng qua quản lý và cơ chế sẽ cải thiện tình hình nghiên cứu hiện nay.
Hơn nữa, để ứng dụng thành công, cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Nhà khoa học phải tự tin làm chủ công nghệ, doanh nghiệp cần tin tưởng để đầu tư và đồng hành, trong khi nhà nước đóng vai trò xúc tác tạo cơ chế. Sự hợp tác chặt chẽ giữa “ba nhà” – nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nước – là yếu tố then chốt để thúc đẩy tiến trình khoa học công nghệ.
(GS.TS Nguyễn Việt Anh – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam).
Cần ưu tiên thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Nghị quyết 57 là điều mà các nhà khoa học, đặc biệt là các viện nghiên cứu như chúng tôi, vô cùng kỳ vọng. Bởi nghị quyết này sẽ nâng cao nguồn kinh phí cho các dự án nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện để các nhà khoa học tập trung vào công việc.
Hơn nữa, Nghị quyết 57 cho phép các viện nghiên cứu và nhà khoa học tự thành lập doanh nghiệp để phát triển sản phẩm của chính mình, thay vì phải liên kết, hợp danh hoặc phụ thuộc vào các doanh nghiệp khác như trước đây.
Tại Viện Di truyền Nông nghiệp, hoạt động hợp tác quốc tế trong những năm qua đã được đẩy mạnh. Chúng tôi đã thành lập các phòng liên kết với Pháp, Mỹ, Nhật Bản, và sắp tới sẽ ký kết biên bản hợp tác với một viện nghiên cứu thực vật tại Côn Minh cùng một viện nghiên cứu về nấm ở Quảng Đông, Trung Quốc.
Tôi tin rằng hợp tác quốc tế là yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học. Thông qua hợp tác, chúng tôi có thể chia sẻ kinh nghiệm, tiếp cận các phương pháp nghiên cứu tiên tiến, cử cán bộ học tập tại các phòng thí nghiệm hiện đại và sử dụng các thiết bị chuyên sâu, hiện đại.
Chúng tôi cũng hy vọng rằng Nghị quyết 57 sẽ tạo động lực lớn, đặc biệt trong việc đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, từ đó nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học.
(PGS.TS Khuất Hữu Trung, Phó Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp).
Chuyển từ việc thích nghi thụ động sang chủ động tạo đột phá.
Nghị quyết 57-NQ/TW mang đến một làn gió mới, khơi dậy niềm tin và động lực để các viện, trung tâm nghiên cứu chuyển từ trạng thái “thích nghi thụ động” sang “chủ động tạo đột phá”. Các cơ chế như khoán sản phẩm đầu ra, trao quyền tự chủ thực chất, định giá kết quả nghiên cứu, và thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ sẽ tạo nền tảng vững chắc, giúp khoa học trở thành động lực cốt lõi, hòa nhập và dẫn dắt sự phát triển kinh tế – xã hội.
Nghị quyết 57 đánh dấu một bước chuyển chiến lược trong tư duy phát triển khoa học và công nghệ, tương tự như tác động của Khoán 10 đối với nông nghiệp cách đây ba thập kỷ. Đây không chỉ là một chính sách mà là một nghị quyết giải phóng tư duy khoa học, thúc đẩy hành động và hiện thực hóa các mục tiêu, từ đó hình thành một hệ sinh thái chính sách đổi mới toàn diện.
Những cải cách này đang khơi dậy niềm tin và động lực mới cho cộng đồng khoa học, đặc biệt tại các viện nghiên cứu ứng dụng như Viện Nghiên cứu Rau quả. Khi được tháo bỏ rào cản, các nhà khoa học sẽ chủ động hơn, sáng tạo hơn và gắn kết chặt chẽ với thực tiễn sản xuất cũng như nhu cầu thị trường. Đây là yếu tố then chốt giúp Việt Nam chuyển từ vị trí đi sau, bắt chước sang đồng hành và cạnh tranh trong hệ sinh thái khoa học công nghệ toàn cầu.
Chúng tôi nhận thức rõ rằng Nghị quyết 57 không chỉ mang lại cơ hội mà còn đặt ra trách nhiệm đổi mới, nhằm phát huy tối đa năng lực nghiên cứu và đóng góp thiết thực hơn cho ngành. Nếu trước đây hiệu quả công việc bị hạn chế bởi nhiều mối lo, thì nay, với tinh thần của Nghị quyết 57, chúng tôi tin tưởng có thể đạt được nhiều thành tựu hơn, giảm bớt gánh nặng và tập trung vào những gì xã hội, thị trường thực sự cần. Đây chính là nền tảng để các nhà khoa học tạo ra những bước đột phá mạnh mẽ, bền vững và có sức ảnh hưởng sâu rộng trong giai đoạn sắp tới.
(PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả).
(Nguồn bài viết: Nông nghiệp môi trường – https://nongnghiepmoitruong.vn/nghi-quyet-57-co-hoi-va-trach-nhiem-doi-moi-d752166.html)